Các động thái diễn ra chỉ cách nhau vài giờ ngày 13/2. Trước hết, Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc thông báo có 14.840 ca nhiễm mới, gấp gần 10 lần mức tăng ngày 12/2, nguyên nhân là phương pháp tính mới đưa các ca được chẩn đoán lâm sàng vào số liệu thống kê người nhiễm virus, có nghĩa là tính cả các bệnh nhân được chẩn đoán dựa trên triệu chứng và phim chụp CT phổi mà không cần kết quả xét nghiệm axit nucleic. Trong 14.840 ca nhiễm mới, 13.332 được chẩn đoán lâm sàng.
Bệnh nhân được chăm sóc tại Vũ Hán, Hồ Bắc ngày 13/2. Ảnh: AP . |
Đảng Cộng sản Trung Quốc sau đó cách chức bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc Tưởng Siêu Lương, thay thế ông bằng thị trưởng Thượng Hải Ứng Dũng. Ông Tưởng là quan chức cấp cao nhất mất ghế kể từ khi dịch bùng phát.
Việc đổi cách tính được coi như bước tái khởi động, công khai những con số trước đây chưa được công bố để lãnh đạo mới của Hồ Bắc có khởi đầu mới, không dính dáng đến các vấn đề trước đó.
"Trước hết, họ cố gắng xử lý cho xong dữ liệu tồn đọng về những người chưa được xét nghiệm dù có triệu chứng", Ether Yin, từ công ty tư vấn Trivium Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết. "Việc thống kê số liệu đúng trước khi bí thư tỉnh ủy mới đến nhậm chức là rất quan trọng về mặt chính trị. Làm vậy sẽ phân định rạch ròi với các ca nhiễm xảy ra dưới sự quản lý của Tưởng Siêu Lương. Bí thư tỉnh ủy mới cần một vạch xuất phát mới".
Thay đổi được đưa ra trong bối cảnh nhiều người nghi ngờ Trung Quốc đã hạ thấp số người nhiễm nCoV trên thực tế. Áp lực càng gia tăng khi công chúng đau buồn và giận dữ vì bác sĩ Lý Văn Lượng, người cảnh báo sớm về Covid-19, qua đời.
Tuy nhiên, việc tái khởi động vấp phải sự hoài nghi trên mạng xã hội Trung Quốc, nơi người dân từ lâu đã suy đoán rằng số người nhiễm thực tế cao hơn số liệu chính thức. Nhiều người so sánh cách tiếp cận này giống như cách xử lý của một công ty đang gặp khó khăn.
"Các quan chức mới có thể bắt đầu lại từ đầu, không chịu gánh nặng từ những thất bại trước đó", một người có tên Maiti với 200.000 người theo dõi viết trên Weibo. Bài đăng đã được chia sẻ rộng rãi trước khi biến mất.
Xét nghiệm axit nucleic là cách xác định virus trong cơ thể bệnh nhân thông qua chuỗi gene, nhưng các thông tin về việc thiếu dụng cụ xét nghiệm và kết quả xét nghiệm không đáng tin cậy đã lan truyền kể từ khi bắt đầu khủng hoảng. Tại Vũ Hán, những người có triệu chứng như sốt và ho chờ đợi hàng giờ để được xét nghiệm. Những người cho kết quả âm tính với virus không được nhập viện.
Vấn đề cũng xảy ra bên ngoài Trung Quốc. Hôm 12/2, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho biết các bộ dụng cụ xét nghiệm được chuyển đến phòng thí nghiệm trên khắp thế giới vào tuần trước đã bị lỗi.
Số lượng ca nhiễm tăng đột biến có thể khiến công chúng càng tức giận đối với việc xử lý khủng hoảng của chính quyền. Trong bản cập nhật hướng dẫn điều trị ngày 5/2, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã bổ sung danh mục "các trường hợp được chẩn đoán lâm sàng", thừa nhận việc thiếu hụt thiết bị xét nghiệm axit nucleic. Tuy nhiên, Hồ Bắc không thêm hạng mục đó cho đến ngày 13/2.
Trong khi đó, Yin cho rằng thay đổi có thể giúp xóa đi hoài nghi về dữ liệu chính thức của Trung Quốc. "Nếu chính quyền sẵn sàng công bố con số tăng vọt hơn 10.000 chỉ sau một đêm, điều này thực sự cho thấy họ không che giấu số liệu", Yin nói.
Tân bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc Ứng Dũng là đồng minh thân cận của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Việc bổ nhiệm quan chức thân tín vào vị trí này cho thấy ông Tập đang dịch thuật chịu trách nhiệm nhiều hơn trong cuộc chiến chống dịch. "Đây rõ ràng là quyết định của ông Tập", Dali Yang, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Chicago, nói, nhận xét ông Tập muốn tìm đúng người để cứu vãn tình hình Hồ Bắc nói chung và Vũ Hán nói riêng.
Các quan chức địa phương thường chịu gánh nặng trong khủng hoảng. Trung Quốc đã sa thải hơn 100 quan chức, bao gồm cả bộ trưởng y tế và thị trưởng Bắc Kinh trong khủng hoảng SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) năm 2003.
Chính quyền trung ương đã cử hai quan chức cấp cao đến dẫn dắt công tác chống dịch ở Hồ Bắc và cách chức hai thành viên hàng đầu của ủy ban y tế tỉnh Hồ Bắc. Ngày 13/2, tờ China Daily đưa tin một quan chức trung ương đã khiển trách các quan chức địa phương vì không tổ chức điều trị đủ nhanh cho những người có triệu chứng.
"Đây là một bước ngoặt quan trọng của chiến dịch, chính quyền trung ương muốn thể hiện quyết tâm rằng họ sẽ chiến thắng trong cuộc chiến và sẵn sàng 'thay máu' để thực hiện điều đó", Yanzhong Huang, chuyên gia từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại có trụ sở tại Mỹ, nói. "Đây là minh chứng cho sự quyết tâm và cũng cho thấy họ để ý đến dư luận".
"Tôi cho rằng ông Tập thay đổi nhân sự để thể hiện rằng ông đang kiểm soát tình hình", Sam Crane, giảng viên chính trị Trung Quốc tại Đại học Williams ở Mỹ, nói.
Phương Vũ (Theo Bloomberg/Guardian )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét